CHIA SẺ

Monday, April 30, 2018

CÁCH NHÂN GIỐNG TRE TẦM VÔNG

Cây Tre Tầm Vông hay còn gọi là Tre Cán Giáo, Tre Cà Lay, có tên khoa học là Thyrsostachys Siamensis (Kurz ex Munro) Gamble. Tre Tầm vông đã được di thực từ Lào về trồng từ rất lâu như ở Lai Châu và từ Quảng Trị trở vào nam. Hiện nay, vùng Đông và Tây Nam Bộ có diện tích trồng Tầm Vông nhiều nhất. Để đáp ứng nhu cầu Cây Tre Tầm Vông Giống thực tiễn, các nhà vườn hiện nay áp dụng các kỹ thuật nhân giống mới với hiệu suất cao hơn.


Cây Tre Tầm Vông Giống

Nhân giống bằng phương pháp hom gốc

Cây Tre Tầm Vông được chọn để lấy hom là những cây trung bình, phát triển bình thường, lành mạnh, không bị sâu bệnh.

Xử lý cây làm giống: Cây được chọn làm giống được chặt ngắn, chỉ đề lại phần phía gốc dài 70-80cm. Lóng trên cùng để lại còn khoảng 1/3 và cắt vát một góc khoảng 45 độ. Bà con dùng đất nhão trát lên vết cắt để tránh khô.

Tách lấy giống: Đào lộ gốc, dùng thuổng sắc cắt tách gốc cây mẹ ở vị trí cổ thân ngầm (chỗ bé nhất tiếp giáp với cây già). Sau khi tách, đem ngâm vào nước, ngập đến hết phần củ thân ngầm để tránh cho cây giống bị khô héo.


Nhân giống Cây Tre Tầm Vông bằng phương pháp hom gốc

Chuẩn bị vườn ươm: Đất được cày toàn diện, nhặt bỏ cỏ dại và đá sỏi lớn . Đất để phủ gốc gồm: đất mặt, phân chuồng hoai, rơm rạ băm nhỏ theo tỷ lệ 1:1:1. Giàn che tạm với độ che bóng trong 3 tuần đầu khoảng 80%, 4-5 tuần tiếp theo: 50% và đến tuần thứ 6 dỡ ra hoàn toàn.

Ươm và chăm sóc: Cuốc rãnh nhỏ rộng khoảng 30 cm, sâu khoảng 40 cm. Rãnh cách rãnh khoảng 50 cm. Gốc ươm được đặt xuống rãnh theo một hướng và nghiêng 45 độ, phần thân ngầm để lưng quay xuống dưới, bụng lên trên. Để tiện chăm sóc, tất cả các cây đều bố trí nghiêng theo một hướng, mỗi gốc ươm đều có 1 cọc đỡ. Đặt gốc cách gốc khoảng 40 cm. Để theo dõi quá trình ra rễ, sau khi đặt gốc vào rãnh trên luống, chỉ phủ lớp đất ươm mỏng vừa che kín phần rễ. Tưới nước 2 lần/ ngày. Sau 8 ngày tiến hành lấp đất đầy rãnh (lấp kín gốc) và phủ thêm lớp rơm rạ dầy khoảng 5cm. Tiếp tục chăm sóc cho đến khi đem đi trồng.

Nhân giống bằng phương pháp hom cành chiết

Cây Tre Tầm Vông Giống được lấy từ cây mẹ 10 – 15 tháng tuổi. Tuổi của cành chọn để chiết được căn cứ vào màu của vòng rễ trên đùi gà. Cành được chọn là những cành phát triển bình thường, không bị sâu bệnh, đã có cành thứ cấp và lá xanh đều, có ít nhất 2 mắt cua lành mạnh (màu vàng, cứng) chia đều hai bên, đường kính khoảng 1,5 đến 2,5 cm, trung bình 2 cm.

Chuẩn bị đất để bó bầu: Bà con sử dụng đất mùn trộn với rơm rạ, xơ dừa ủ mục, theo tỷ lệ thể tích: 1:1, trộn đều với nước đến khi được hỗn hợp mềm, dẻo.

Tiến hành chiết: Bà con cắt phần ngọn của cành chiết, để lại phần hom còn 3-4 lóng (khoảng 30 – 40cm), lóng cuối chừa lại 4 – 5cm, cắt vát góc 45 độ. Bà con cắt bỏ toàn bộ cành phụ ở 2 bên gốc cành chiết và dùng cưa cầm tay cưa phía trên gốc cành chiết chỗ sát thân cây mẹ sâu đến 2/3 đường kính gốc cành, sau đó cưa phía dưới gốc cành sâu khoảng 2mm (vết cắt trên và dưới hợp thành đường thẳng).


Nhân giống Cây Tre Tầm Vông bằng phương pháp hom cành chiết

Tiếp theo Bà con dùng tay bóc sạch lớp bẹ quanh gốc cành chiết. Đưa túi ni lông đã chứa hỗn hợp đất bó bầu như nêu ở trên đưa lên đầu cành chiết, miệng túi quay đối diện với đầu cành chiết, kéo mạnh túi xuống đến đế cành sao cho để cành chiết chọc vào chính giữa khối đất bầu. Điều chỉnh lại cho đất bọc kín gốc cành chiết dài khoảng 5cm. Dùng dây nilon quấn chặt bên ngoài bầu. Sau 20 – 30 ngày, khi kiểm tra thấy đa số cành hom đã có bộ rễ đã phát triển hoàn chỉnh, rễ chuyển từ trắng sang trắng đục ngả vàng (nhận biết qua lớp nilon trắng) tiến hành bẻ cành chiết đưa vào nuôi dưỡng tại vườn ươm.

Chuẩn bị vườn ươm: Chọn nơi bằng phẳng, thoát nước, sau đó san lấp và dẩy sạch mặt bằng, làm dàn che có độ tàn che từ 60% đến 70%.

Ươm và chăm sóc: Cành chiết lấy về vườn ươm và gỡ bỏ túi ni lông. Dùng hỗn hợp đất vào bầu theo tỷ lệ 1:1:1 (đất-phân bò-xơ dừa), đổ 1/3 hỗn hợp đất ươm vào bầu ươm có kích cỡ 15x20cm đặt gốc cành chiết vào giữa bầu cho ngay ngắn tiếp tục cho hỗn hợp đất ươm vào rồi ấn chặt cho tới khi đầy bầu sau đó xếp bầu cây vào dàn che theo từng luống để chăm sóc (tưới ngày 2 lần, nhổ cỏ, phòng trừ sâu bệnh).

Đối với Tre Tầm vông, nhân giống bằng hom gốc đạt tỷ lệ ra rễ cao nhất. Tuy nhiên, với phương pháp này chỉ thích hợp với quy mô sản xuất nhỏ, không thể sản xuất một số lượng giống để đáp ứng nhu cầu sản xuất với quy mô lớn. Hơn nữa, khi nhân giống đã lấy đi một lượng thân cây đặc ruột có giá trị nhất, đồng thời ảnh hưởng đến khóm mẹ. Ngoài ra, kích thước cây giống lớn cũng ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển và trồng cây. Còn phương pháp chiết cành trên cây mẹ có thể tăng được số lượng giống, giá thành giảm, dễ thực hiện.

CÁC LOẠI SÂU BỆNH GÂY HẠI CÂY TRE TẦM VÔNG

Nhìn chung Tre Tầm Vông ít sâu bệnh hơn các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, Bà con nhà vườn cũng không nên chủ quan, mà cần thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cây. Đồng thời thường xuyên kiểm tra vườn tược để phát hiện và xử lý kịp thời các loại sâu bệnh hại cây.


Cây Tầm Vông

Sâu gây hại Cây Tre Tầm Vông

Mối: Đây là loại côn trùng thường gây hại vào giai đoạn cây mới trồng, lúc này cây còn yếu nên dễ bị Mối tấn công. Vì thế, giai đoạn mới trồng để đảm bảo rừng trồng có tỷ lệ sống cao, Bà con cần chú ý phòng trừ Mối gây hại bằng cách trước và sau khi trồng cây rải thuốc (Basudin, Confidor…) dưới hố trồng và trên mặt đất.

Sâu Vòi Voi: Loại sâu này thuộc Họ Vòi Voi, bộ cánh cứng. Chúng chủ yếu gây hại trên Măng Tre, làm măng chết, thối; giảm chất lượng cây.


Sâu gây hại Cây Tre Tầm Vông

Biện pháp phòng trừ: Bà con cần tìm sau đó diệt nhộng và sâu trưởng thành bằng cách cuốc xới đất xung quanh gốc rộng 1m, sâu 15 – 20cm. Khi ấu trùng đã chuyển hoá thành sâu non trong thân măng, có thể dùng các loại thuốc trừ sâu nội hấp (Bi 58 40WP) để phun hoặc quét lên măng. Sau đó, Bà con rắc một trong những loại thuốc sau quanh Gốc Tre vào cuối mùa mưa: Padan 4H, Basudin 10H.

Bệnh gây hại Cây Tre Tầm Vông

Bệnh Thối Măng: Bệnh này do nấm gây hại, bệnh phát triển nhất là trong mùa mưa. Các bào tử nấm tồn dư trong đất có thể xâm nhiễm và gây hại thông qua các vết thương cơ giới. Để diệt trừ, Bà con cần phun trừ nấm bằng các loại thuốc Ridomil GoldR, Aliette 89 WP.


Bệnh gây hại Cây Tre Tầm Vông

Bệnh Chổi Xể: Bệnh này cũng do nấm gây ra. Đây là loại bệnh nguy hiểm, khi phát hiện ra cây nhiễm bệnh cần chặt bỏ cả Bụi Tre và đốt để tránh lây nhiễm. Bà con có thể sử dụng dung dịch Boócđô 1% phun vào gốc để diệt trừ nấm gây hại.

CHĂM SÓC CÂY TRE TẦM VÔNG CHO NĂNG SUẤT CAO

Tre Tầm Vông vốn là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, trồng ở đâu cũng có thể sống được, chịu được khô hạn tốt. Song để Cây Tre Tầm Vông cho năng suất tối đa, gia tăng hiệu quả kinh tế thì kỹ thuật chăm sóc, kinh nghiệm làm vườn là không thể thiếu. Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.


Tre Tầm Vông

Tưới nước và bón phân

Sau khi trồng: Khi mới trồng cần chú ý chăm sóc cây sinh trưởng tốt để rễ bám chắc vào đất không bị gãy đổ. Thường xuyên tưới nước cho cây 2 lần/tuần và làm sạch cỏ dại. Ngoài ra, Bạn cần chăm sóc bón phân thường xuyên giúp cây sinh trưởng, phát triển nhanh bám chắc, lá xanh tốt. Khi cây xuất hiện các lá vàng, lá úa, lá héo thì phải cắt bỏ đi ngay. Cây bị rụng lá hoặc các nhánh cây có hiện tượng mềm, rục là lúc bạn cần chăm sóc đặc biệt.

Sau khi trồng 1 năm trở đi: Ở giai đoạn này các nhà vườn thường trồng xen canh với những cây có tán cao, tàn thưa, để che gió cho Tầm Vông giúp cây hạn chế gẫy đổ. Bạn nên bón phân cho Tầm Vông 1 năm 2 lần.


Tưới nước và bón phân cho Cây Tầm Vông

Đặc biệt vào giai đoạn cây bắt đầu cho măng từ lúc 4-5 năm tuổi, bạn cần bón phân NPK theo hướng dẫn, vào đầu mùa mưa bón N cao hơn K và cuối mùa mưa bón K cao hơn N. Đầu mùa lúc cây bắt đầu mọc măng, bón N nhiều giúp mọc nhiều măng, lớn cây. Cuối mùa tức cây măng đã lớn, bón K nhiều giúp cây tránh đỗ ngã, rắn chắc, kết quả độ bền của cây trong sử dụng.

Tỉa cây và phòng sâu bệnh

Tầm Vông cũng có thể bị một số loại sâu bệnh: Bệnh Xoắn Lùn, Sâu Đục Thân…. gây hại. Vì thế, bạn cần thường xuyên kiểm tra và điều trị. Dọn sạch gốc, chặt bỏ những cây yếu, thấp, nhỏ, sâu bệnh là cách phòng bệnh hiệu quả đang được các nhà vườn áp dụng.


Tỉa cây và phòng sâu bệnh cho Cây Tầm Vông

Bạn tỉa bỏ bớt cho cây cách cây tầm 20-25 cm, cho gốc thoáng ít sâu bệnh, cây phát triển tốt, lớn cây. Khi thu hoạch cần chặt, đục cho sát mặt đất, không được để gốc cao, sau này cây chà nhánh mọc ra ngay gốc già đó, tranh chấp dưỡng chất, và là mầm mống của sâu bệnh hại Tầm Vông.

Nói chung, Việc chăm sóc Tre Tầm Vông khá đơn giản, không tốn nhiều công sức như những loại cây khác. Trước kia chúng bị “ Bỏ quên” mà vẫn cho năng suất. Ngày nay, nhờ được quan tâm chăm sóc tốt số lượng cây trong mỗi bụi có thể đạt từ 25 – 30 cây/bụi. Nhiều diện tích đạt từ 45 – 50 cây/bụi. Trong đó, cây loại 7 – 8 m là phần nhiều, số cây đặc biệt (trên 8 m) có thể đạt trên 10 – 20%, thân cây thẳng, có thể đáp ứng được mọi yêu cầu chế biến.

Sunday, April 29, 2018

KỸ THUẬT TRỒNG CÂY TRE TẦM VÔNG

Tầm Vông là một loại Tre đặc biệt, có nhiều công dụng hữu ích trong đời sống và sản xuất. Hiệu quả kinh tế của Tầm Vông ngày càng được khẳng định. Vì thế, nhiều hộ nông dân và một số địa phương xem Cây Tầm Vông như một loại cây trồng chính. Cây Tầm Vông dễ trồng, dễ chăm sóc, cho năng suất cao và bạn chỉ cần chú ý một số kỹ thuật trồng đơn giản như bên dưới chúng tôi hướng dẫn.


Cây Tầm Vông

Kinh nghiệm chọn giống và nhân giống

Để có Giống Cây Tre Tầm Vông trồng trong vườn bạn có thể Mua Cây Giống trực tiếp tại các vườn ươm hoặc có thể nhân giống từ những Khóm Tầm Vông sẵn có.

Cây Tầm Vông chủ yếu nhân giống bằng hom gốc và chiết cành. Việc nhân giống bằng hom gốc đạt tỷ lệ ra rễ cao nhất. Tuy nhiên, với phương pháp này chỉ thích hợp với quy mô sản xuất nhỏ, không thể sản xuất một số lượng giống để đáp ứng nhu cầu sản xuất với quy mô lớn. Hơn nữa, khi nhân giống đã lấy đi một lượng thân cây đặc ruột có giá trị nhất, đồng thời ảnh hưởng đến khóm mẹ. Ngoài ra, kích thước cây giống lớn cũng ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển, trồng.


Kinh nghiệm chọn giống và nhân giống

Để có thể đáp ứng được nhu cầu lớn về giống trồng phải tiến hành nhân giống bằng hom cành chiết. Phương pháp này vừa tăng được số lượng giống trồng, vừa không ảnh hưởng đến cây mẹ, dễ thực hiện, tiết kiệm được thời gian, công sức, vận chuyển xa, trồng dễ dàng.

Kỹ thuật trồng Cây Tầm Vông

Sau khi nhân giống, bạn cần chuẩn bị vườn ươm và chăm sóc tốt để đảm bảo tỷ lệ thành công cao nhất. Sau khoảng 8 tuần chăm sóc, khi cây chiết ra rễ và có lá tươi tốt bạn tiến hành trồng ra vườn.


Kỹ thuật trồng Cây Tầm Vông

Mật độ trồng Tầm Vông vào khoảng 500cây/ha, bố trí trồng theo khoảng cách cây cách cây 4m, hàng cách hàng 5m hoặc 3m x 6m. Trước khi trồng bạn cũng đào hố để đặt bầu vào trồng và bón lót mỗi hố từ 5-10kg phân chuồng hoai mục.

Bạn gỡ bỏ lớp vỏ bọc bầu cây sau đó từ từ đặt cây vào hố đã đào sẵn và vun đất, nệm đất vào gốc cây cho chặt để sao cho cây được cố định. Sau đó, Bạn tưới nước và có thể phủ một lớp rơm rạ, lá khô lên gốc cây vừa trồng để giữ ẩm cho cây.

TRỒNG CÂY TRE TẦM VÔNG CÓ KHÓ KHÔNG?

Cây Tre Tầm Vông là loại cây rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh, có thể trồng trên mọi loại đất, đặc biệt là chịu hạn tốt. Hiện nay, loại cây trồng này đang được nhiều người dân ở nhiều địa phương chọn trồng. Đặc biệt các tỉnh thành phía nam và các tỉnh thành có điều kiện khí hậu nóng hạn, những cây trồng khác khó có thể thích nghi thì Cây Tầm Vông lại cho năng suất cao.


Trồng Cây Tre Tầm Vông

Dễ trồng với chi phí đầu tư thấp

Nhiều hộ nông dân trồng Tầm Vông cho rằng, Cây Tầm Vông rất dễ trồng, vốn đầu tư ban đầu rất thấp, chỉ cần từ 10-15 triệu đồng/ha. Người nông dân có thể đầu tư trồng được và dần gây dựng một Vườn Tầm Vông vài hecta trong thời gian ngắn.

Đặc biệt, Cây Tầm Vông vốn là loại cây trồng không cần đến nước tưới, chịu hạn rất tốt. Cho dù có hạn hán nặng đến đâu cũng sống được. Trồng Tầm Vông cũng không hề ảnh hưởng đến đất, nhất là sau khi thanh lý, Rễ Tầm Vông phân hủy để lại cho đất độ tơi xốp tạo điều kiện cho cây trồng khác phát triển, chống được xói mòn, sạt lở đất.


Dễ trồng với chi phí đầu tư thấp

Tầm Vông rất dễ trồng, dễ thích nghi với mọi loại đất, nhất là những vùng đất gò đồi, ven sông suối. Đặc biệt là loại cây trồng này có thể chống chọi với thời tiết khắc nghiệt vốn hay khô hạn ở các tỉnh Miền Trung, Miền Nam.

Cây Tre Tầm Vông mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn những cây khác

Với những vùng đất khô cằn tưởng chừng như chẳng loại cây nào có thể “Sống” được, vậy nhưng Giống Tre Tầm Vông vẫn mạnh mẽ phát triển và cho năng suất cao. Loại cây này còn được đánh giá là giống cây ưu việt trong việc sử dụng quỹ đất xấu.


Cây Tre Tầm Vông mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn những cây khác

Hiện nay, Giá Tầm Vông tương đối ổn định, khi thu hoạch tùy loại lớn nhỏ có giá bình quân từ 15 đến 30 ngàn đồng/cây. Sau mỗi đợt thu hoạch, trừ các chi phí thì người nông dân có thể thu lãi gần 60 triệu đồng/ha Tầm Vông. Hơn nữa, đầu tư trồng Tầm Vông một lần những có sản lượng thu hoạch kéo dào từ 40-50 năm.

Trồng Cây Tre Tầm Vông ngoài việc giúp người dân có thu nhập tốt, thoát khỏi cảnh nghèo đói, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân thì còn có mục đích bảo vệ môi trường và góp phần để tái sinh rừng, phủ kín đồi trọc.

TRỒNG CÂY TRE TẦM VÔNG CÓ TÁC DỤNG GÌ?

Cây Tre Tầm Vông trồng có nhiều tác dụng khác nhau, vừa cho măng và tre thu hoạch có giá trị kinh tế cao, vừa bảo vệ đất, chống xói mòn. Bà con nhà vườn có thể tận dụng giống cây này trồng ở những nơi đất xấu, kém chất dinh dưỡng mà không ảnh hưởng đến những cây trồng xung quanh.


Cây Tre Tầm Vông

Tre Tầm Vông có nhiều giá trị sử dụng

Trồng Tre Tầm Vông không tốn kém và bỏ ít công sức nhưng lại cho thu nhập khá, loại Tre này thích hợp với điều kiện nóng ẩm của nước ta, chịu hạn tốt, ưa sáng lại có thể trồng trên nhiều loại đất.

Mỗi Bụi Tre Tầm Vông thường có đường kính 3 – 4m, mỗi bụi từ 20 – 30 cây, Tre Tầm Vông có giá lên đến 30.000 đồng/cây, mỗi ha cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Trong thực tế Tầm Vông có thu nhập cao gấp đôi Cao Su trong khi công chăm sóc không đáng kể. Vì thế, ngày càng có nhiều nhà nông đầu tư trồng Tre Tầm Vông.


Tre Tầm Vông có nhiều giá trị sử dụng

Cây Tre Tầm Vông là loại cây nhiều mục đích, giá trị lớn nhất là thân. Thân cây dùng trong xây dựng và làm hàng thủ công mỹ nghệ. Ngoài việc sử dụng làm vật liệu xây dựng như những loại Tre khác, do độ bền cao, dễ uốn cong nên Tre Tầm Vông còn được sử dụng làm bàn, ghế, kệ, tủ; đồ dùng trong nhà… Tre Tầm Vông dễ tiêu thụ, được các thương lái ưa chuộng.

Tre Tầm Vông giúp bảo vệ đất và môi trường

Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao, Tre Tầm Vông còn góp phần bảo vệ đất, chống xói mòn, chắn gió, cải thiện môi trường, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. đặc biệt sử dụng phân hữu cơ càng đem lại hiệu quả cao.


Tre Tầm Vông giúp bảo vệ đất và môi trường

Trong điều kiện khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nguồn nước khan hiếm thì việc trồng Tre ở các vùng khô hạn, thiếu nước là rất thích hợp. Mặt khác, thị trường đang có nhu cầu lớn về mặt hàng Tre Tầm Vông làm vật liệu xây dựng, đồ thủ công mỹ nghệ có giá trị xuất khẩu cao.

GIỚI THIỆU VỀ CÂY TẦM VÔNG




Cây Tầm Vông

Tên phổ thông : Tầm Vông, Trúc Thái, Trúc Xiêm La
Tên khoa học : Thyrsostachys Siamensis
Họ thực vật : Phân họ Tre (Bambusoideae) của họ Hòa thảo (Poaceae)
Nguồn gốc xuất xứ : Đông Nam Á
Phân bổ ở Việt Nam : rộng khắp, chủ yếu ở miền nam Việt Nam

A. Đặc điểm hình thái:

Thân, tán, lá: Cây trưởng thành cao khoảng 6–14 m, đường kính 2–7 cm, gần như đặc ruột và rất cứng, không gai. Tầm Vông thường mọc thành bụi dày đặc, những bụi Tre Tầm Vông đường kính 3 – 4m, mỗi bụi từ 20 – 30 cây. Lá Tầm Vông nhỏ, dài 7–14 cm, rộng 5–7 mm.

B. Đặc điểm sinh lý, sinh thái:


Tốc độ sinh trưởng: trung bình

Phù hợp với: Tầm Vông là loài tre có khả năng chịu khô hạn khá tốt, nó có thể sinh trưởng tốt ở điều kiện lượng giáng thủy dưới 1.000 mm/năm.

Cây Tầm Vông chủ yếu nhân giống bằng hom gốc, nghĩa là chỉ cần chọn cây tre bánh tẻ tách khỏi bụi đem trồng. Ngày nay người ta đã phát triển kỹ thuật nhân giống Tầm Vông mới là chiết cành giúp cho việc nhân giống số lượng lớn dễ dàng hơn.

Trong điều kiện khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nguồn nước khan hiếm thì việc trồng Tre Tầm Vông ở các vùng khô hạn, thiếu nước là rất thích hợp và đáp ứng được yêu cầu của tự nhiên. Mặt khác, thị trường đang có nhu cầu lớn về mặt hàng Tre Tầm Vông làm đồ thủ công mỹ nghệ, làm bàn ghế các vật dụng trong gia đình và vật liệu xây dựng .

Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng, Tre Tầm Vông còn góp phần bảo vệ đất, chống xói mòn, chắn gió, cải thiện môi trường, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Đặc biệt, lá và thân cây còn được sử dụng làm phân hữu cơ rất tốt cho đất.